Tiểu sử Lê_Minh_Xuân

Ông sinh năm 1935 trong một gia đình bần nông, quê ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhập ngũ năm 1959. Khi hy sinh ông là Trung đoàn Phó giữ chức Tư lệnh phó Bộ Tư lệnh Phân khu 2, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Minh Xuân là người có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc. Năm 1961, ông vào đội du kích xã Đức Hòa tham gia cách mạng gây cho địch nhiều khó khăn. Trong chiến đấu ông là một chiến sĩ thông minh, bản lĩnh, gan dạ, xông xáo luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1960, tại khu vực Vườn Thơm thành lập thêm 2 xã mới: Tân Bình và Tân Lợi (Bình Lợi ngày nay), tháng 6 năm 1961, ông được đề bạt giữ chức Tiểu đội trưởng du kích xã Tân Bình (Xã đội trưởng), quận Bình Tân, tỉnh Gia Định.

Lực lượng vũ trang Bình Tân ngày càng phát triển, Lê Minh Xuân được giao chức Trung đội phó rồi Trung đội trưởng. Trong thời gian này ông chứng minh được năng lực chỉ huy chiến đấu, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở giỏi, nên được cử đi học trường H.123 của Trung ương Cục miền Nam.

Sau khi học về, ông được đề bạt làm Đại đội trưởng. Từ năm 1964 đến 1967, Lê Minh Xuân tham gia tác chiến trên 100 trận đánh lớn nhỏ, càng tham gia chiến đấu thì Lê Minh Xuân càng trưởng thành nhanh chóng, lần lượt giữ chức Huyện đội phó, Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Bình Tân.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Lê Minh Xuân chỉ huy Tiểu đoàn 6 Bình Tân, từ hướng Tây Nam đánh thọc sâu vào nội thành Sài Gòn. Đơn vị của ông là đơn vị mũi nhọn, đã dũng cãm đánh chiếm nhiều mục tiêu và trụ lại trong nội thành dài ngày nhất, đánh tan hàng chục đợt phản công kích ác liệt, tiêu diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đầu năm 1969, Lê Minh Xuân - Trung đoàn Phó giữ chức Tư lệnh phó Bộ Tư lệnh phân khu 2, cùng Hai Châm - Phó Ban binh vận Y4, chỉ đạo xây dựng cơ sở đánh địch, đóng tại gò nhà ông Tư Quay (ấp 2 Tân Kiên). Khi địch càn vào khu vực đóng quân của ta, thì bị đơn vị bảo vệ Lê Minh Xuân nổ súng tiêu diệt được 10 lính Mỹ. Sau đó, các đồng chí bí mật rút dần về cầu Hưng Nhơn, lúc này đã xế chiều và nóng lòng mở đường máu để thoát vây, Lê Minh Xuân và Hai Châm rút ngang qua Bờ Ngựa gần cầu Hưng Nhơn, không may bị bọn Mỹ bên cạnh cầu Hưng Nhơn phát hiện và nổ súng, Lê Minh Xuân và Hai Châm đã anh dũng hy sinh.